Cùng xem bài viết Ông Bùi Ngọc Huyên: 10 năm trước các hãng xe phản đối chính sách nội địa hóa của Vinaxuki, 10 năm sau lại đi theo hướng tương tự, chứng tỏ con đường tôi chọn là đúng! được VINAXUKI tổng hợp và chia sẻ lại cho bạn. Nếu bạn thấy hay! Hãy chia sẻ, để giúp chúng tôi có động lực đăng bài viết nhiều hơn.

Ở tuổi ngoài 70, Giám đốc Vinaxuki cho biết ông chẳng còn gì vì tất cả tài sản nhà cửa đã bán hoặc đem thế chấp cho ngân hàng; ông sống dựa vào nguồn lương hưu vài triệu đồng. Nhưng nếu không có cuộc khủng hoảng kinh tế và các ngân hàng gây khó khăn, mọi chuyện có thể sẽ rất khác.

Ông Bùi Ngọc Huyên: 10 năm trước các hãng xe phản đối chính sách nội địa hóa của Vinaxuki, 10 năm sau lại đi theo hướng tương tự, chứng tỏ con đường tôi chọn là đúng!

Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki khởi nghiệp với ngành sản xuất ô tô khi đã nghỉ hưu nhưng ông Huyên vẫn gặt hái nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ.

“Vào thời điểm hoàng kim, xe tải bán đắt như tôm tươi. Một ngày chúng tôi lắp hơn 100 xe vẫn không đủ giao vì giá xe khá rẻ. Ví dụ cùng chất lượng như nhau, động cơ, khung gầm như nhau Vinaxuki chỉ bán 80 triệu thì các hãng khác họ bán tới 100 triệu”, ông nhớ lại.

Từ nguồn vốn tự có khoảng 170 tỷ đồng, cộng thêm vốn vay ngân hàng 100 tỷ đồng, chỉ trong vòng 2 năm, Vinaxuki đã thu hồi được khoản đầu tư ban đầu. Các mẫu xe tải có tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất nhì thị trường.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất lắp ráp ô tô tải, ông Huyên còn tính làm ô tô con, những chiếc xe phục vụ người Việt Nam đúng theo tiêu chí “xe tốt, giá rẻ”. Nhưng dù cho là xe tải hay xe con, ông xác định sẽ đi con đường tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản, nghĩa là đầu tư vào khâu học tập thiết kế, tiến tới tự sản xuất thân vỏ xe, tăng dần tỷ lệ nội hoá.

“Với ô tô, thân vỏ xe quan trọng nhất, chiếm tỷ lệ nội địa hóa lên tới 32% của xe, trong khi động cơ chưa đến 20%. Chỉ cần sản xuất thân vỏ xe, còn mua lốp sản xuất tại Việt Nam, ghế, kính tại Việt Nam, thêm động cơ nữa là lắp thành xe. Dần dần sẽ có các hãng sản xuất phụ tùng của Việt Nam, sẽ có xe Việt Nam mà giá vẫn rẻ”, ông Huyên trình bày về con đường mình định đi.

Nghĩ là làm, Chủ tịch Vinaxuki không ngần ngại rót vốn đầu tư công nghệ hiện đại, mời chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn công nhân. Những năm 2008, 2009, nhà máy sản xuất thân vỏ xe của ông đã được trang bị máy cắt laser, máy cắt plasma, tự động hóa dựa trên phần mềm và robot, chỉ 20-30s là xong một chi tiết sản phẩm.

Tuy nhiên, con đường tự động hóa của Vinaxuki không được các doanh nghiệp trong ngành đánh giá cao. Ông Huyên cho biết các công ty khác như Trường Hải (Thaco) hay TMT (Cửu Long), trong những lần hội thảo tại Bộ công thương về chiến lược quy hoạch ô tô, quan điểm của họ là chỉ lắp ráp và nhập xe nguyên chiếc về bán chứ không nên ưu đãi nội địa hoá.

“Lúc bấy giờ, trong hội nghị có cả các doanh nghiệp ô tô nước ngoài nhưng họ đã có nhà máy ở các nước khác trong ASEAN rồi, đến năm 2018 thuế nhập khẩu về 0% thì họ cũng không cần ưu đãi nội địa hoá. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng hy vọng đến 2018 thuế về 0 để không cần ưu đãi. Mỗi tôi nghĩ rằng, dù thuế xuất nhập khẩu bằng 0 nhưng vẫn không thể bằng sản phẩm người Việt Nam làm ra. Nếu người Việt Nam không tự lao động để tạo ra sản phẩm của mình thì giá ô tô vẫn đắt, chủ tịch Vinaxuki lý giải.

Theo tính toán của ông, vì đã hoàn thành phần quan trọng nhất là thân xe, mỗi năm Vinaxuki sẽ cho ra đời các dòng xe tải từ nhỏ đến lớn. Sau 10 năm có thể sản xuất loại xe 20 tấn, vốn dĩ chỉ có thể nhập khẩu từ nước ngoài. Sang đến năm thứ 14, 15, tỷ lệ nội địa hóa có thể lên tới 60-70%. Với xe con, hướng đi cũng tương tự vì Vinaxuki đã tự chế tạo được phần thân xe.

Trên thực tế mọi chuyện đã không thuận lợi như những gì ông Huyên dự tính. Vì đầu tư công nghệ cao, lại không may gặp khủng hoảng kinh tế nên khoản nợ vay của Vinaxuki đã tăng lên thành hơn 1.400 tỷ đồng vào cuối năm 2012.

Trong khi đó ngân hàng không tin tưởng vào con đường nội địa hóa của ông, không tái cơ cấu các khoản nợ theo như chính sách nhà nước ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất ô tô mà tiến hành bán nợ xấu. Điều đó đồng nghĩa với việc Vinaxuki phải đóng cửa nhà máy.

“Bán nợ xấu thì Vinaxuki không còn vay đâu được vốn lưu động để sản xuất. Các tập đoàn có ý định hợp tác với Vinaxuki như Hyundai hay Volkswagen cũng không dám hợp tác nữa. Đáng lẽ ngân hàng phải tái cơ cấu các khoản vay từ ngắn hạn sang dài hạn nhưng họ lại không tái cơ cấu”, ông Huyên phân trần.

Kết quả là từ đó đến nay, các nhà máy của Vinaxuki đều đắp chiếu, han gỉ dần. Các công nhân, kỹ sư được chuyên gia Nhật Bản, chuyên gia Châu Âu đào đạo, chuyển giao công nghệ trước đây thì giờ cũng chẳng còn ai.

Điều đáng nói là 10 năm trước những doanh nghiệp không ủng hộ con đường nội địa hóa của ông Huyên thì nay lại đang đi đúng con đường ấy. Chủ tịch Vinaxuki cho biết năm 2017, Trường Hải đã vay vốn ngân hàng để xây dựng nhà máy khuôn, nhà máy dập, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên “mấy chục %”.

Thậm chí một “tay chơi” mới như VinFast cũng đang bắt tay với doanh nghiệp Thái để sản xuất phần thân vỏ, đặt nhà máy ngay tại khuôn viên của VinFast tại Hải Phòng.

“Cùng với TMT, Trường Hải luôn nói nội địa hóa không hiệu quả nhưng sau 8-9 năm, họ cũng xây nhà máy, cũng mua máy của Mitsubishi, của ABB như tôi. Nghĩa là con đường tôi đi đã đúng. Nếu họ cùng đi với tôi, cùng mục tiêu nội địa hóa thì Việt Nam đã có xe thương hiệu Việt từ năm 2012 rồi”, ông Huyên mạnh mẽ khẳng định.

Hãy chia sẻ bài viết Ông Bùi Ngọc Huyên: 10 năm trước các hãng xe phản đối chính sách nội địa hóa của Vinaxuki, 10 năm sau lại đi theo hướng tương tự, chứng tỏ con đường tôi chọn là đúng!, khi bạn share, bạn đã cung cấp 1 kiến thức nhỏ bổ ích cho nhiều người hơn!

Nguồn Vinaxuki tham khảo: https://cafef.vn/ong-bui-ngoc-huyen-10-nam-truoc-cac-hang-xe-phan-doi-chinh-sach-noi-dia-hoa-cua-vinaxuki-10-nam-sau-lai-di-theo-huong-tuong-tu-chung-to-con-duong-toi-chon-la-dung-20181029085823545.chn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here